Era pharama
Era pharama

CÁCH CHÍCH NGỪA VIÊM GAN B CHO TRẺ SƠ SINH VÀ PHỤ NỮ MANG THAI

16-06-2020

 

      Nhiều bà mẹ không nhận ra tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin trong quá trình mang thai dẫn đến dễ mắc một số bệnh có thể gây hại cho bản thân hoặc thai nhi, điển hình đó chính là vắc-xin viêm gan B. Tiêm phòng viêm gan b cho phụ nữ mang thai nhằm để bảo vệ mẹ và bé chống lại nhiễm trùng cả trước và sau khi sinh.

 

 

1. Tại sao lại cần tiêm vắc-xin viêm gan B?

      Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng tại gan do virus viêm gan B gây ra. Nếu không được điều trị thích hợp, viêm gan B sẽ gây ra sẹo của cơ quan, suy gan thậm chí là ung thư gan.

 

      Bệnh lây truyền khi mọi người tiếp xúc với máu, vết thương hở hoặc dịch cơ thể của người nhiễm virus viêm gan B và truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh thường hoặc sinh mổ.

 

      Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính trong năm 2015, đã có 257 triệu người có nhiễm viêm gan B mạn tính (được xác định khi kháng nguyên bề mặt viêm gan B dương tính) và khoảng 887.000 ca tử vong, chủ yếu là do xơ gan và ung thư tế bào gan (hepatocellular carcinoma). Tính đến năm 2016, 27 triệu người mắc mới và 4,5 triệu trong đó cần phải điều trị.

 

      Viêm gan B là bệnh có thể được ngăn ngừa bằng vắc-xin an toàn, sẵn có và hiệu quả.

 

2. Đang mang thai có tiêm được viêm gan B không?

 

          Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), phụ nữ mang thai không phải là chống chỉ định của tiêm vắc-xin viêm gan B do sau nhiều năm sử dụng trên toàn thế giới cho thấy, vắc-xin viêm gan B không nguy cơ gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Hiện tại, các loại vắc-xin viêm gan B là vắc-xin tái tổ hợp bất hoạt không gây nhiễm và không gây nguy hiểm cho thai nhi. Sản phụ nên tiêm vắc-xin này càng sớm càng tốt nếu thuộc các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HBV như nhân viên y tế, người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, người tiêm chích ma túy, người có nhiều bạn tình hoặc người mắc bệnh tiểu đường 19 tuổi đến 59 tuổi). Nhiễm virus viêm gan B ảnh hưởng đến sản phụ do có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng cho mẹ và nhiễm trùng mãn tính cho trẻ sơ sinh.

 

3. Chẩn đoán

      - Chẩn đoán tập trung vào việc phát hiện kháng nguyên bề mặt viêm gan B kháng nguyên HBsAg. WHO khuyến cáo tất cả các mẫu máu hiến tặng đều phải được xét nghiệm viêm gan B để tránh lây truyền cho những người nhận được sản phẩm máu.

 

      - Nhiễm trùng cấp tính HBV được đặc trưng bởi sự hiện diện của HBsAg và kháng thể immunoglobulin M (IgM) với kháng nguyên lõi, IgM-HbcAg. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân cũng có huyết thanh dương tính với kháng nguyên e của virus (HBeAg). HBeAg thường là một dấu hiệu của sự nhân rộng của virus. Sự hiện diện của HBeAg chỉ ra rằng máu và chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh là rất dễ lây.

 

      - Nhiễm mạn tính được đặc trưng bởi sự tồn tại của HBsAg trong ít nhất 6 tháng (có hoặc không có đồng thời HBeAg). Sự tồn tại lâu dài HBsAg là điểm dự báo chính nguy cơ phát triển bệnh gan mạn tính và ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) sau này trong cuộc sống.

 

      - Viêm gan virus cấp tính là nguyên nhân phổ biến nhất của vàng da trong thai kỳ. Các nguyên nhân khác bao gồm: gan nhiễm mỡ cấp tính của thai kỳ, thiếu máu tán huyết (HELLP) và ứ mật trong gan của thai kỳ.

 

      - Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Tuy nhiên, một số người có bệnh cấp tính với các triệu chứng kéo dài vài tuần, bao gồm: vàng da - vàng mắt, nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng. Một số ít bệnh nhân viêm gan cấp tính có thể tiến triển thành suy gan cấp tính và có thể dẫn đến tử vong.

 

Vàng Mắt

 

 

Vàng Mắt

 

 

Đau bụng - Buồn Nôn

 

     

Nước tiểu vàng đậm

 

 

     - Nhiễm HBV cấp trong thai kỳ thường là không nghiêm trọng và không liên quan đến tăng tỉ lệ tử vong hoặc tăng khả năng sinh quái thai. Do đó, nhiễm HBV trong thai kỳ không cần phải cân nhắc đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên, đã có những báo cáo tăng tỉ lệ nhẹ cân khi sinh và đẻ non ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV cấp. Hơn nữa, nhiễm HBV cấp tính xảy ra sớm trong thai kì có liên quan đến tỉ lệ lây truyền chu sinh 10%. Tỉ lệ lây truyền tăng đáng kể nếu nhiễm trùng cấp tính xảy ra vào lúc hoặc gần lúc sinh, với tỉ lệ được báo cáo lên tới 60%.

 

      - Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, không có điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan B cấp; mục đích nhằm duy trì sự thoải mái và cân bằng dinh dưỡng, bao gồm bù dịch mất do nôn và tiêu chảy. Cần theo dõi xét nghiệm sinh hóa gan và thời gian prothombin. Điều trị kháng virus thường là không cần thiết, ngoại trừ ở những phụ nữ có suy gan cấp tính hoặc viêm gan nặng dai dẳng. Trong tình huống này, có thể chọn lựa lamivudine, telbivudine hay tenofovir.

 

4. Ảnh hưởng của thai nghén lên viêm gan B:

 

      - Viêm gan cấp ít xảy ra ở PNMT, nếu xuất hiện làm tăng nguy cơ diễn biến mạn tính.

      - Viêm gan mạn ở PNMT: mẹ bị xơ gan có nguy cơ tiến triển thành xơ gan mất bù, tăng nguy cơ vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Thời kì hậu sản: dễ tiến triển thành viêm gan cấp với tỉ lệ khoảng 25%.

 

5. Ảnh hưởng của viêm gan B lên thai nghén

      - Tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ: sẩy thai, sinh non, tăng nguy cơ băng huyết, đái tháo đường thai kỳ. Tăng tỉ lệ tử vong chu sinh cho trẻ sơ sinh.

 

    - Lây truyền từ mẹ sang con trong thai kì, trong khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau sinh. 70-90% trẻ sinh ra từ mẹ có HbsAg và HbeAg (+) bị nhiễm HBV và 90% các trẻ lây truyền từ mẹ có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính nếu không được dự phòng lây truyền.

6.  Thời điểm nào nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho phụ nữ có thai?

      - Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B và đã được thực hiện xét nghiệm với kết quả âm tính với virus viêm gan B thì sẽ được tiêm loại vắc-xin này. Tiêm vắc-xin viêm gan B dành cho phụ nữ có thai gồm 3 mũi: Mũi đầu tiên tại thời điểm được chỉ định, mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng và mũi thứ 3 sau mũi thứ nhất 6 tháng.

 

     - Đối với trẻ được sinh ra từ những sản phụ có dương tính với virus viêm gan B, trong 12 giờ sau sinh nên được tiêm Globulin miễn dịchđặc hiệu viêm gan B và mũi vắc-xin viêm gan B đầu tiên. Sau đó, trẻ cần thêm hai hoặc 3 mũi vắc-xin bổ sung trong 1 tháng 6 tháng tới để giúp ngăn ngừa viêm gan B. Thời gian và tổng số mũi tiêm phụ thuốc vào một số yếu tố, bao gồm loại vắc-xin, tuổi của trẻ và cân nặng khi sinh.

 

     - Ngoài ra, các chuyên gia khuyên cáo, trẻ sau khi đã hoàn thành một loạt vắc-xin ở độ tuổi 9-12 tháng, sau đó 1-2 tháng trẻ nên được xét nghiệm kháng thể để kiểm tra các loại vắc-xin này đã có hiệu lực để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này hay chưa. Để bảo vệ bé tốt nhất, phụ huynh hãy xin ý kiến và thực hiện theo lời khuyên từ bác sĩ của bé.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Có an toàn khi tiêm vắc-xin viêm gan B cho phụ nữ mang thai?

2. Viêm gan và thai kỳ theo bác sĩ Nguyễn Thế Tuấn - Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Quảng Nam

Bình Luận